Hậu mãn kinh được xem là một giai đoạn tự nhiên trong cuộc đời của người phụ nữ, đánh dấu sự kết thúc của chu kỳ kinh nguyệt và khả năng sinh sản. Việc hiểu rõ về hậu mãn kinh cùng những lưu ý chăm sóc sức khỏe trong giai đoạn này là “chìa khóa” giúp chị em duy trì sự trẻ trung và kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây ra các vấn đề sức khỏe đáng lo ngại, chẳng hạn như bệnh loãng xương và bệnh tim.
Hậu mãn kinh là gì?
Hậu mãn kinh là thuật ngữ dùng để mô tả thời gian sau khi người phụ nữ đã trải qua thời kỳ mãn kinh, và không còn xuất hiện kinh nguyệt. Lúc này, các triệu chứng mãn kinh có thể giảm dần hoặc thậm chí biến mất.
Đây là kết quả của sự suy giảm hormone nội tiết estrogen và progesterone, khiến hoạt động của buồng trứng suy giảm và không diễn ra quá trình rụng trứng. Điều này dẫn đến sự kết thúc của chu kỳ kinh nguyệt và đánh dấu sự kết thúc khả năng sinh sản của người phụ nữ.
Các triệu chứng của phụ nữ hậu mãn kinh
Hầu hết phụ nữ sau mãn kinh đều cảm thấy các triệu chứng kéo dài từ thời kỳ mãn kinh có thể ít dần, hoặc gần như biến mất. Tuy nhiên, vẫn có một số triệu chứng tiếp diễn từ lúc mãn kinh đến hậu mãn kinh do nồng độ hormone estrogen suy giảm.
Các triệu chứng đặc trưng của thời kỳ sau mãn kinh bao gồm:
- Bốc hỏa và đổ mồ hôi đêm.
- Khô âm đạo hoặc đau đớn khi quan hệ tình dục.
- Trầm cảm.
- Rụng tóc.
- Thay đổi ham muốn tình dục.
- Mất ngủ hoặc khó ngủ.
- Da khô, khô mắt, khô miệng.
- Cân nặng thay đổi.
- Tiểu không tự chủ hoặc tần suất đi tiểu thường xuyên hơn.
Nếu các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hoặc ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày, hãy đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế để được thăm khám và nhận tư vấn từ các bác sĩ chuyên khoa về các biện pháp kiểm soát triệu chứng cũng như duy trì sức khỏe tốt hơn trong giai đoạn này.
Hậu mãn kinh kéo dài bao lâu?
Hậu mãn kinh là giai đoạn sau khi người phụ nữ đã trải qua giai đoạn mãn kinh, thường bắt đầu từ khoảng 1 đến 2 năm sau khi kỳ kinh cuối cùng kết thúc. Giai đoạn này không có thời gian cố định mà kéo dài suốt quãng đời còn lại của người phụ nữ. (2)
Tuy nhiên, thời gian và mức độ ảnh hưởng của giai đoạn sau mãn kinh có thể khác nhau ở mỗi người. Một số phụ nữ có thể trải qua các triệu chứng nhẹ và ngắn, trong khi những người khác có thể gặp các triệu chứng nặng hơn và kéo dài nhiều năm, thậm chí đến hơn một thập kỷ.
Sự thay đổi nội tiết tố ở giai đoạn sau mãn kinh
Phụ nữ bước vào thời kỳ sau mãn kinh, cơ thể sẽ trải qua nhiều thay đổi đáng kể của nội tiết tố. Điều này là yếu tố làm tăng các nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng đến sức khoẻ, cảm xúc và ngoại hình người phụ nữ. (3)
1. Giảm nồng độ estrogen
Estrogen là một trong những hormone đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt, duy trì độ ẩm của da và niêm mạc âm đạo. Sau khi mãn kinh, nồng độ estrogen bắt đầu giảm mạnh, gây ra nhiều thay đổi trong cơ thể.
Sự suy giảm nồng độ estrogen là nguyên nhân chính gây ra các triệu chứng như cơn bốc hỏa, đổ mồ hôi đêm, khô âm đạo và loãng xương. Ngoài ra, nồng độ hormone estrogen suy giảm cũng có thể ảnh hưởng đến tâm trọng, gây ra cảm giác lo âu và trầm cảm.
2. Giảm nồng độ progesterone
Progesterone là một trong những hormone có vai trò điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt và duy trì thai kỳ. Sau mãn kinh, buồng trứng ngừng sản xuất progesterone dẫn đến mất cân bằng hormone tổng thể. Mặc dù progesterone không gây ra nhiều triệu chứng khó chịu như estrogen, nhưng sự suy giảm nồng độ hormone này cũng là nguyên nhân góp phần vào những thay đổi đáng kể của cơ thể người phụ nữ sau mãn kinh.
3. Tăng nồng độ hormone FSH và LH
Khi nồng độ estrogen và progesterone suy giảm, cơ thể sẽ có xu hướng tăng sản xuất các hormone kích thích nang trứng (FSH) và hormone luteinizing (LH) để cố gắng kích thích buồng trứng sản xuất hormone. Tuy nhiên, sau mãn kinh, buồng trứng không còn đáp ứng dẫn đến nồng độ FSH và LH cao hơn trong máu. Điều này là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang chuyển đổi qua giai đoạn sau mãn kinh.
Độ tuổi hậu mãn kinh là bao nhiêu?
Độ tuổi trung bình của phụ nữ bước vào giai đoạn sau mãn kinh là 51 tuổi. Tuy nhiên, có một số phụ nữ trải qua hậu mãn kinh sớm hơn (trước 40 tuổi) hoặc muộn hơn (sau 55 tuổi). Sự khác biệt này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm di truyền, lối sống và tình trạng sức khỏe.
Biến chứng hậu mãn kinh có thể gặp phải
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng phụ nữ trong thời kỳ hậu mãn kinh sẽ tăng nguy cơ mắc một số biến chứng như: (4)
1. Vấn đề tim mạch
Mãn kinh không trực tiếp gây ra các bệnh về tim mạch nhưng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Sự thay đổi hormone cũng như thay đổi huyết áp, cholesterol “xấu” và chất béo cũng có thể xảy ra sau thời kì mãn kinh. Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, cứ ba phụ nữ thì có một người mắc bệnh tim mạch. Bên cạnh đó, thời kỳ sau mãn kinh cũng có thể khiến chị em phụ nữ đối mặt với các vấn đề như tăng cân, tăng huyết áp và tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường.
2. Loãng xương
Loãng xương tình trạng xương bị mỏng đi. Sự thay đổi về mật độ xương tăng lên sau thời kì mãn kinh, đặc biệt là trong vài năm đầu sau khi người phụ nữ hết kinh. Theo một số thống kê cho thấy, một người phụ nữ có thể mất tới 25% mật độ xương sau thời kỳ mãn kinh (tương đương với tỷ lệ 1-2% mỗi năm). Đặc biệt, loãng xương là nguyên nhân làm tăng nguy cơ bị gãy xương, đặc biệt là ở vùng hông, cột sống và cổ tay.
3. Vấn đề ở bàng quang
Sự suy giảm hormone estrogen sau mãn kinh ảnh hưởng đến các mô ở bàng quang và niệu đạo. Các cơ vùng chậu xung quanh niệu đạo cũng có thể yếu đi do lão hoá hoặc phụ nữ trải qua thời kỳ sinh con. Những yếu tố này làm tăng nguy cơ gây ra các vấn đề như tiểu không tự chủ, tiểu đêm và tiểu nhiều lần. Ngoài ra, nhiễm trùng đường tiết niệu và các vấn đề tiết niệu khác cũng được cho là có liên quan đến sự thay đổi hormone trong thời kỳ hậu mãn kinh.
4. Hội chứng niệu sinh dục thời kỳ mãn kinh
Hội chứng niệu dục thời kỳ mãn kinh là một bệnh mãn tính, tiến triển theo thời gian, liên quan đến các bệnh lý vùng âm hộ – âm đạo, tình dục, tiết niệu và đặc trưng bởi một loạt các triệu chứng lâm sàng xảy ra thứ phát do suy giảm estrogen ngay sau khi mãn kinh. Hội chứng này chiếm phần lớn khi kết thúc giai đọan mãn kinh (40 – 57%).
5. Vấn đề âm đạo
Sự suy giảm estrogen trong thời kỳ hậu mãn kinh là nguyên nhân gây ra các vấn đề như khô âm đạo, ngứa và đau khi quan hệ tình dục. Đây là triệu chứng phổ biến ở phụ nữ sau mãn kinh cho sự suy giảm độ ẩm tự nhiên và sự mỏng đi của mô âm đạo.
6. Sức khỏe tinh thần
Bên cạnh những vấn đề về sức khỏe thể chất, sinh lý thì sự thay đổi hormone trong thời kỳ hậu mãn kinh cũng gây ra những tác động mạnh mẽ đến sức khỏe tinh thần. Phụ nữ dễ thay đổi tâm trạng, hay cáu gắt, lo lắng và trầm cảm. Điều này có thể xảy ra do căng thẳng quá mức hoặc đến từ những thách thức khác trong cuộc sống trong giai đoạn này.
7. Rối loạn giấc ngủ
Theo nghiên cứu của tác giả Jehan và cộng sự năm 2015 đã kết luận các triệu chứng vận mạch như bốc hoả, thay đổi nồng độ hormone, rối loạn nhịp sinh học và rối loạn tâm trạng có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ ở phụ nữ trong giai đoạn sau mãn kinh, bao gồm cả việc thường xuyên thức giấc vào ban đêm. Đặc biệt, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng phụ nữ sau mãn kinh có nguy cơ bị ngưng thở khi ngủ và hội chứng chân không yên.
Điều trị hậu mãn kinh như thế nào?
Liệu pháp hormone thay thế (HRT) có thể là một phương pháp điều trị hiệu quả cho các triệu chứng ở giai đoạn này. Tuy nhiên, các chuyên gia chỉ khuyên dùng liệu pháp này trong thời gian ngắn và chỉ định cho những người dưới 60 tuổi. Điều quan trọng là phải tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu liệu pháp này để giảm thiểu các rủi ro về sức khỏe như huyết khối và đột quỵ. Phụ nữ có tiền sử bệnh tim mạch, ung thư vú, ung thư buồng trứng hoặc các bệnh lý khác cần cẩn trọng khi sử dụng HRT.
Ngoài ra, mỗi một triệu chứng hậu mãn kinh có thể được bác sĩ chỉ định những biện pháp điều trị cụ thể, cụ thể như:
- Cơn bốc hỏa: Ngoài liệu pháp HRT, các biện pháp khác như châm cứu và thay đổi lối sống có thể giúp giảm cơn bốc hỏa. Việc duy trì môi trường sống mát mẻ, mặc quần áo thoải mái có thể giúp giảm triệu chứng này.
- Khô âm đạo: Việc sử dụng các sản phẩm bôi trơn âm đạo gốc nước có thể giúp giảm khô và giảm đau khi quan hệ tình dục.
- Loãng xương: Ngoài việc bổ sung canxi và vitamin D, phụ nữ nên tập thể dục đều đặn và có thể sử dụng thuốc chống loãng xương theo chỉ định của bác sĩ.
- Rối loạn giấc ngủ: Để cải thiện giấc ngủ, phụ nữ hậu mãn kinh nên duy trì thói quen ngủ khoa học, tạo môi trường ngủ thoải mái và hạn chế sử dụng chất kích thích trước khi đi ngủ. Nếu cần thiết, việc sử dụng các loại thuốc hỗ trợ giấc ngủ theo chỉ định của bác sĩ cũng có thể giúp cải thiện triệu chứng này.
- Sức khỏe tinh thần: Việc duy trì một lối sống lành mạnh, tham gia các hoạt động xã hội và áp dụng các biện pháp giảm căng thẳng có thể giúp cải thiện sức khỏe tinh thần. Ngoài ra, việc tìm kiếm sự hỗ trợ từ các chuyên gia tâm lý và sử dụng các liệu pháp điều trị tâm lý cũng có thể giúp giảm triệu chứng lo âu và trầm cảm.
Phương pháp chăm sóc sức khỏe phụ nữ sau mãn kinh
Chế độ ăn uống lành mạnh và lối sống khoa học đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát các triệu chứng hậu mãn kinh, duy trì sức khỏe tổng thể và giúp chị em kéo dài tuổi xuân hiệu quả. Dưới đây là một số gợi ý trong việc chăm sóc sức khỏe sau mãn kinh chị em có thể tham khảo:
- Bổ sung canxi và vitamin D tự nhiên từ các nguồn thực phẩm như sữa, phô mai, sữa chua, cá hồi, cá mòi, trứng… giúp duy trì sức khỏe xương và giảm nguy cơ gãy xương.
- Ăn nhiều trái cây, rau xanh, thịt nạc và thực phẩm giàu phytoestrogen (nguồn estrogen từ thực vật), bao gồm ngũ cốc nguyên hạt, hạt lanh, đậu gà và các loại đậu khác.
- Giảm lượng caffeine và rượu bia sẽ giúp chị em giảm thiểu các cơn bốc hỏa và khó ngủ.
- Luyện tập thể dục thường xuyên để giải phóng nguồn năng lượng dư thừa, ngay cả những hoạt động vừa phải như đi bộ 30 phút và duy trì 3 lần/tuần cũng có thể giúp bạn kiểm soát các triệu chứng và duy trì cân nặng hợp lý.
- Giảm căng thẳng bằng các phương pháp thư giãn như thiền, đi bộ đường dài hoặc yoga giúp cơ thể không phải phóng hormone làm nặng thêm các triệu chứng mãn kinh.
- Đảm bảo cơ thể được nghỉ ngơi hợp lý, ngủ sớm, ngủ đủ sẽ giúp cơ thể luôn tràn đầy năng lượng. Nên giữ nhiệt độ phòng ở mức mát mẻ, lý tưởng nhất là nhiệt độ từ 20-25 độ C sẽ giúp chị em dễ ngủ và ngủ ngon hơn.
Việc thăm khám và kiểm tra sức khỏe định kỳ mỗi năm một lần là một phần quan trọng trong việc duy trì sức khỏe sau mãn kinh. Chị em nên kiểm tra mật độ xương, khám vùng chậu, khám vú và theo dõi sức khỏe tim mạch định kỳ để phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe, đồng thời ngăn ngừa các yếu tố nguy cơ có thể diễn tiến thành nhiều bệnh lý nghiêm trọng sau mãn kinh.
Hy vọng những thông tin hữu ích ở trên đã giúp chị em hiểu rõ hơn về thời kỳ hậu mãn kinh và những biện pháp chăm sóc sức khỏe hiệu quả trong giai đoạn này.